Đau Dây Thần Kinh Tọa Hậu Quả Của Nhiều Bệnh

Đau Dây Thần Kinh Tọa Hậu Quả Của Nhiều Bệnh

Thần kinh tọa còn gọi là thần kinh hông to là dây thần kinh lớn nhất cơ thể đi từ thắt lưng mông xuống mặt sau đùi và cẳng chân. Thần kinh tọa còn gọi là thần kinh hông to l&ag...
By Admin Tue, 04/04/2017 15:17
TRANG CHỦ  /  BỆNH THẦN KINH TỌA  /  Thông Tin Bệnh  /  Đau Dây Thần Kinh Tọa Hậu Quả Của Nhiều Bệnh

Thần kinh tọa còn gọi là thần kinh hông to là dây thần kinh lớn nhất cơ thể đi từ thắt lưng mông xuống mặt sau đùi và cẳng chân.

Thần kinh tọa còn gọi là thần kinh hông to là dây thần kinh lớn nhất cơ thể đi từ thắt lưng mông xuống mặt sau đùi và cẳng chân. Bệnh đau thần kinh tọa gặp ở nam nhiều hơn nữ và thường ở lứa tuổi từ 30-50. Ðau dây thần kinh tọa do tổn thương rễ chiếm 90-95%, số còn lại là do tổn thương dây và đám rối thần kinh.

Những bệnh dẫn đến đau thần kinh tọa

Các nghiên cứu cho thấy có nhiều bệnh dẫn đến đau thần kinh tọa, gồm hai nhóm: các bệnh toàn thân và những tổn thương tại chỗ. Các bệnh toàn thân gây đau thần kinh tọa thường gặp là: cúm, thấp tim, thương hàn, sốt rét, giang mai giai đoạn III, lậu… Nhóm bệnh tại chỗ dẫn đến đau thần kinh tọa gồm: thoát vị đĩa đệm hay gặp ở người trẻ, đang độ tuổi lao động, bị thoát vị đĩa đệm cấp tính sau các động tác gắng sức mạnh, không đúng tư thế của cột sống như cúi xuống nâng vật nặng sai tư thế, cử động đột ngột của thân...

Thoái hoá đĩa đệm ở người cao tuổi gây đau thắt lưng hông mạn tính và tái phát. Tổn thương đĩa đệm do vi chấn thương kéo dài như tài xế lái xe đường dài, ngồi lái ở tư thế lệch người sang một bên hay cúi ra trước trong thời gian dài, khi đó chỉ một gắng sức nhẹ cũng có thể gây thoát vị đĩa đệm. Thoái hóa cột sống thắt lưng cùng do loãng xương, nhuyễn xương, gai xương, biến dạng thân đốt sống, gai xương kèm theo phì đại dây chằng, thoát vị đĩa đệm.

Trượt cột sống là tình trạng đốt sống bị trượt ra phía trước hoặc sau, do bẩm sinh hay chấn thương, tổn thương các rễ thần kinh, hẹp ống sống thắt lưng. Viêm đốt sống, thường gặp ở người cao tuổi, gây chèn ép các rễ thần kinh, hẹp ống sống thắt lưng… Viêm cột sống dính khớp: với biểu hiện đau thắt lưng hông và mông, cứng khớp cột sống vào buổi sáng, không đỡ đau khi nghỉ.

Chấn thương trực tiếp vào dây thần kinh tọa, gãy xương cột sống thắt lưng, gãy xương chậu, do tiêm trực tiếp vào dây thần kinh tọa hay do tiêm thuốc thuốc dạng dầu ở mông lan tới dây thần kinh toạ, phẫu thuật áp-xe mông. Các khối u: màng tủy, đốt sống, u thần kinh, u di căn từ các ung thư biểu mô tuyến tiền liệt, vú, phổi, thận, đường tiêu hoá, bệnh đa u tủy xương, u lympho. Nhiễm khuẩn cột sống: viêm cột sống do tụ cầu, thường gặp sau các nhiễm khuẩn ngoài da, tiết niệu, phổi; viêm cột sống do lao, thứ phát sau lao phổi; áp-xe ngoài màng cứng…

Biểu hiện bệnh thế nào?

Khởi đầu đau dây thần kinh tọa rất khác nhau tùy từng nguyên nhân. Nhìn chung có những dấu hiệu sau:

Đau tự nhiên, xuất phát từ thắt lưng và lan xuống dưới chân, có khi chỉ xuống tới mông, tới đùi hay xuống tận bàn chân. Nếu tổn thương thắt lưng (L5) thì lan từ thắt lưng xuống mông ra mặt ngoài đùi, mặt trước ngoài cẳng chân, trước mắt cá ngoài, mu bàn chân, đến ngón chân cái. Tổn thương thắt lưng cùng (S1) thì đau từ thắt lưng lan xuống mông, mặt sau đùi, mặt sau cẳng chân, gót, lòng bàn chân, bờ ngoài bàn chân đến ngón út. Thường đau liên tục, có khi có cơn bộc phát, nhưng cũng có thể giảm hay hết đau khi nằm... Mức độ đau rất thay đổi từ đau âm ỉ cho tới đau dữ dội không chịu được, đau tăng lên khi ho, hắt hơi, có khi chỉ thấy dị cảm mà không thấy đau.

Ðau khi thăm khám: ấn đau ở giữa hay bên cạnh cột sống từ đường giữa ra 2cm ngang vùng thắt lưng L4, L5, S1. Đau khi ấn dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa qua thống điểm Valleix 2cm từ giữa cột sống ra ngang đốt sống L5, S1, giữa lằn mông, giữa mặt sau đùi, hõm khoeo chân, điểm cổ xương mác, điểm bắp chân và điểm hõm mắt cá ngoài. Ðau do căng dây thần kinh, dấu hiệu Lasègue: bệnh nhân nằm ngửa, nâng thẳng chân bệnh nhân từng bên một lên cao, nếu chưa tới 70° mà bệnh nhân kêu đau ở mặt sau đùi hay cẳng chân là dương tính…

Phản xạ gân gót của bệnh nhân giảm hay mất trong tổn thương rễ S1. Bệnh nhân không đi bằng ngón được khi tổn thương S1, còn tổn thương L5 thì không đi bằng gót được. Bệnh nhân bị teo cơ mác trong tổn thương L5, còn tổn thương S1 thì teo cơ bắp chân. Bệnh có thể biểu hiện các thể: thể teo cơ nhanh còn gọi là thể liệt; thể hội chứng đuôi ngựa, thường do thoát vị đĩa đệm chính giữa, tổn thương dây chằng gây liệt mềm hai chân, rối loạn cảm giác hai chân và vùng yên ngựa, kèm bí tiểu, táo bón, bất lực; thể đau thần kinh tọa hai bên: đau xuống cả hai chân nhưng không rối loạn cơ tròn và không rối loạn cảm giác vùng yên ngựa, có khi đau bên này rồi chuyển sang đau bên kia.

Xét nghiệm: chụp Xquang thấy đĩa đệm hẹp. Chụp cắt lớp hay cộng hưởng từ thấy rõ tổn thương nhiều loại và xác định được vị trí thoát vị.

Các phương pháp chữa trị

Các phương pháp điều trị đau thần kinh tọa là: nghỉ ngơi tuyệt đối, bệnh nhân phải nằm giường cứng, tránh nằm võng hay ngồi ghế dựa. Tránh vận động mạnh như xoay người đột ngột, chạy nhảy, cúi gập người... Vật lý trị liệu: kéo giãn cột sống, nắn cột sống, thể dục trị liệu, hồng ngoại, sóng ngắn, đắp sáp nến... Dùng thuốc: giảm đau, chống viêm không steroide, phong bế rễ thần kinh bằng corticoid hay novocain kết hợp với vitamin B12. Thuốc giãn cơ, an thần, vitamin nhóm B liều cao kết hợp với acid folic. Điều trị nguyên nhân như dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn. Phẫu thuật các trường hợp: thể liệt, hội chứng đuôi ngựa, hẹp ống sống thắt lưng, đau không thể chịu được mặc dù đã dùng thuốc giảm đau hoặc hay tái phát.

Bs. Ninh Thanh Tùng

this post was shared 0 times
 600

094 636 1828